Di sản Xạ thủ đơn độc ở Flesquières

Sau chiến tranh, câu chuyện về xạ thủ đơn độc được kể lại trong nhiều hồi ký và sách lịch sử, bao gồm cả hồi ký của Chuẩn tướng John Charteris – giám đốc tình báo của Haig, hồi ký viết năm 1931; lịch sử Mặt trận phía Tây của Sir Arthur Conan Doyle (xuất bản 1916–1920) và lịch sử chiến tranh của Philip Gibbs năm 1920. Gibbs kể lại cảnh một người lính thuộc lực lượng Cao Nguyên (Highland) đã giết xạ thủ đơn độc Đức bằng lưỡi lê, sau khi nói "you're a brave man but you've got to dee [die]" ("bạn là một người dũng cảm nhưng bạn phải chết").[3] Các lời kể khác là chủ đề trong các bài viết của Quân đội Anh năm 1935 và trong các bài báo do Thiếu tá Archibald Becke viết trên Tạp chí Pháo binh Hoàng gia (Journal of the Royal Artillery).[8]

Phi công ách của Quân đoàn Bay Hoàng gia James McCudden, đã viết về cuộc tấn công Cambrai trong cuốn hồi ký năm 1918 của ông Five Years in the Royal Flying Corps rằng "cuộc tiến công đã bị chặn đứng tại Flesquières bởi một khẩu pháo Hun chống tăng, khiến một bộ phận nhất định trong lực lượng phòng tuyến của chúng ta phải dừng lại trong 24 giờ. Khi xạ thủ chống tăng bị tiêu diệt, chúng ta lại có thể tiến lên. Người ta phát hiện xạ thủ này là một sĩ quan, toàn bộ đội pháo binh của ông đã chết, ông ta đã tự mình điều khiển khẩu pháo và hạ gục 14 xe tăng. Một sĩ quan xe tăng của chúng ta đánh giá rất cao lòng dũng cảm của người sĩ quan Đức này. Tất nhiên nếu thời tiết tốt thì khẩu pháo chống tăng này sẽ bị máy bay ném bom tầm thấp của chúng ta phát hiện và hạ gục ngay lập tức, nhưng thời tiết đã khiến Quân đoàn Bay Hoàng gia không thể làm gì được vào quá trình yểm trợ và cản trở rất nhiều đến bước tiến của chúng ta".

Trong những năm sau chiến tranh, một số tác giả Anh đã cố gắng hạ uy tín của câu chuyện. Điều này bao gồm sĩ quan Quân đoàn xe tăng, Thiếu tá Frederick Hotblack, người đã băng ngang qua khu vực chiến trường vào ngày 21 tháng 11 và lưu ý các vị trí của những chiếc xe tăng bị vô hiệu hóa không thể nào từ một khẩu súng, hay một khẩu đội pháo có thể làm được. Ông lưu ý rằng nếu có bất kỳ sĩ quan nào được tìm thấy tại khẩu đội pháo, người đó chỉ có thể là một chỉ huy bộ binh Đức bị thương, được đưa đến vị trí pháo để được an toàn mà thôi.[8] Chỉ huy Wilfred Miles, tác giả cuốn lịch sử chính thức của chính phủ Anh về Trận Cambrai, đã cố gắng giải quyết vấn đề. Ông tìm thấy nhiều nguồn tin mâu thuẫn và ghi nhận nỗ lực của Elles nhằm điều tra vụ việc, bao gồm cả việc liên lạc với nhà sử học chính thức bên phía Đức về trận chiến này. Elles không thể chứng minh câu chuyện và tài liệu lịch sử mà Miles ghi lại sự việc đó chỉ xem nó như một truyền thuyết.[8]

Đối với người Đức, đặc biệt là Đảng Quốc xã, họ muốn tôn vinh xạ thủ đơn độc như một tấm gương về chủ nghĩa anh hùng trong Quân đội Đức nhưng gặp khó khăn trong việc xác định danh tính người đàn ông này vì họ đã mất rất ít sĩ quan pháo binh trong ngày đầu tiên của trận chiến.[4][9] Sự chú ý này chính thức tập trung vào Trung đoàn pháo binh dã chiến 108, đơn vị được điều động đến Flesquières. Lời kể về xạ thủ đơn độc không được Trung úy Erwin Zindler đề cập đến trong lịch sử trung đoàn năm 1919, mặc dù cuốn hồi ký cá nhân của ông viết năm 1929 có đề cập đến hành động này và cho rằng nó là của Unteroffizier Johannes Joachim Theodor Krüger của Đội pháo binh số 8. Zindler lúc đó là một người Đức Quốc xã cuồng nhiệt và lòng trung thành của ông với đảng cũng như chủ nghĩa dân tộc Đức mạnh mẽ có thể đã khiến ông đã đưa tin sai về sự việc này. Zindler thừa nhận rằng Krüger, với tư cách là một hạ sĩ quan, không khớp với lời kể của quân Anh về một sĩ quan pháo binh đơn độc nhưng cho biết sau khi thảo luận với chỉ huy Đội pháo binh số 8, Trung úy Behrmann, ông ta là người duy nhất phù hợp với hoàn cảnh trận chiến đó. Krüger thực sự sống sót sau trận chiến, bị thương nặng do trúng một phát súng và bị bắt làm tù binh. Ông qua đời tại một bệnh viện của Anh gần Dieppe vào ngày 10 tháng 12 và được chôn cất tại Nghĩa trang Quân đội Mont-Huon.[9] Vị trí pháo binh của Kruger nằm cách nhà máy đường Flesquières khoảng 1 km (0,6 mi) về phía đông vào ngày đầu tiên của trận chiến.[10]

Nguồn tin của Zindler đã được chấp nhận rộng rãi vào thời điểm đó và được cả hai bên về sau kể lại. Hiệp hội các đồng chí cũ của Trung đoàn pháo binh dã chiến 108 (Old Comrades Association of the 108th Field Artillery Regiment) đã phản đối việc quy kết này vào năm 1931, thay vào đó cho rằng xạ thủ đơn độc là Trung úy Karl Müller của Đội pháo binh số 9, ông đã thiệt mạng trong trận chiến vào ngày 20 tháng 11.[9] Đội pháo của Müller tuyên bố đã phá hủy 12 xe tăng vào ngày 20 tháng 11, nhiều nhất so với bất kỳ khẩu đội pháo nào của Đức ngày hôm đó, nhưng có một điều, đội pháo lại được đặt tại Marcoing, nằm cách Flesquières khoảng 3 km về phía đông.[9][10] Một đài tưởng niệm người xạ thủ đơn độc được dựng lên ở Cologne vào năm 1936. Trong Thế chiến thứ hai, đài tưởng niệm bị hư hại do vụ đánh bom của quân Đồng minh và bị các kỹ sư Anh dỡ bỏ ngay sau đó. Một doanh trại được đặt theo tên của Krüger ở Kusel nhưng đã đóng cửa.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xạ thủ đơn độc ở Flesquières https://www.cwgc.org/our-work/blog/remembering-the... https://books.google.com/books?id=vPnbAAAAMAAJ https://books.google.com/books?id=SlSuDQAAQBAJ https://books.google.com/books?id=yrPNDwAAQBAJ https://books.google.com/books?id=f2NbYci74_0C https://books.google.com/books?id=00myJhLVIUUC https://www.thegazette.co.uk/London/issue/30554/su... https://books.google.com/books?id=Mcx7PGEdSKAC https://books.google.com/books?id=P7bNDwAAQBAJ